"Hãy về với cha" - Nỗi lòng của cha

"Hãy về với cha" không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết tình cảm gia đình mà còn là khoảng trời ký ức tuổi thơ vẫn luôn còn trong trẻo, vẹn nguyên của chính nhân vật "tôi". 


Link đọc sách

Lâu lâu rồi mình có đọc được mấy câu thơ này của nhà thơ Thanh Tịnh:
 "Bố cho con ăn, con cười, bố cười. 
Con cho bố ăn, bố khóc, con khóc".
Thế mới thấy, một đời ngắn làm sao. Hồi nhỏ, cha mẹ chăm con, cha mẹ già đi, con chăm cha mẹ. 
Vừa rồi tình cờ đọc được "Hãy về với cha" của Shin Kyung-Sook (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hãy chăm sóc mẹ”), lại một lần nữa mình có dịp chậm lại, nghĩ nhiều hơn về cha. Chả rõ cha có câu chuyện gì thầm kín, có nỗi lòng gì chưa tỏ? Chả rõ ước mơ của cha là gì, hay tất cả chỉ xoay quanh các con?... 
Bạn nghĩ gì khi nhắc tới cha của mình? 

Câu chuyện “Hãy về với cha”  bắt đầu khi mẹ lên Seoul chữa bệnh, chỉ có mình cha trong căn nhà cũ ở quê. Lúc đó, nữ nhà văn Heon - nhân vật “tôi” đã trở về nhà để chăm sóc người cha già yếu. Chính quãng thời gian ở quê đã giúp “tôi” - một người phụ nữ mất con, sống thu mình, đoạn tuyệt khỏi mọi mối quan hệ để trốn tránh nỗi đau -  khám phá nhiều điều về cha, về mối quan hệ ruột thịt, từ đó chữa lành cho chính bản thân mình. 

Cha qua lời kể của mọi người 
Đó là lời kể của "tôi" qua những dòng ký ức được đan xen với thời điểm hiện tại, khi cô trở về sống cùng cha. Người cha biến mất thình lình lúc nửa đêm hay đột ngột khóc khiến "tôi" phải bối rối. 
Đó là những dòng thư của anh cả Seung Yub và cha lúc anh xa nhà, đi công tác ở Libya. Cha đọc các cuốn sách về đất nước xa xôi kia, cha tới lớp học viết buổi tối... Lúc đầu thư cha là các câu đơn giản, sau là câu dài hơn, phức tạp hơn, nhiều dấu câu hơn. Đọc những lá thư sai chính tả của người cha mà thấy rưng rưng. 
Đó là lời kể của mẹ, về căn bệnh của cha "đang ngủ thì đột nhiên biến mất", về chuyện ngày xưa cứ có máy móc gì mới, "ông ấy sẽ là người đầu tiên mua về lắp ráp, sử dụng làm mẫu cho bà con", về những lần vắng nhà không báo trước của cha. 
Đó là lời kể của Park Mu Reung - người bạn hồi chiến tranh của cha. Ông kể khi đó cha ham học, nhớ nhanh lắm. Cha còn trọng tình nghĩa "Giữa lằn ranh sinh tử, giữa thời thế loạn lạc, con người ta vẫn giữa được những mặt tốt đẹp hiếm hoi". 
... 
Có những lời kể, câu chuyện như thế, "tôi" mới có thể hiểu cha hơn. Xuyên suốt gần 500 trang sách, tác giả đã đan xen các góc nhìn/giọng kể khác nhau khiến câu chuyện thú vị hơn, đa chiều hơn. Có những điều không dễ mở lời tâm sự, chỉ có khi có biến cố ập đến thì các thành viên trong gia đình mới có dịp giãi bày, thổ lộ để hiểu nhau hơn. 

Nỗi lòng của cha 
Cha không được ông nội cho đi học nên tới lúc làm cha, cha chạy vạy ngược xuôi kiếm tiền để cho 6 người con của mình được học đại học. Chả trách mà "tôi" tự hỏi: "Cuộc đời của cha? Là những bức ảnh chúng tôi đội mũ cử nhân?". Niềm tự hào của cha là các con mặc áo cử nhân, tốt nghiệp đại học. 
Khi có chuyện vui hay buồn, cha cũng thường chỉ nói một câu duy nhất "Không có gì để nói". Cha kiệm lời nhưng lẩn sâu trong cha vẫn là nỗi sợ hãi, sự bất an, lo lắng? 
Cha không được sống cuộc đời của mình nhưng vẫn luôn động viên con: 
"Con hãy sống và làm những điều mình muốn, đừng để ý đến người khác quá mức như thế."
"Cha chỉ mong con có thể sống và làm điều mình muốn" 

Khi thấy con gái gặp biến cố ("tôi" mất con), cha chỉ muốn lên Seoul để bên cạnh bầu bạn, cùng ăn bữa cơm, bón phân cho cây hồng ở nhà "tôi",... giản dị thế thôi. 
Hay kể cả tình yêu của mình, cha cũng giữ kín qua những lá thư tình trong ngôi nhà hoang để rồi cuối đời, cha ngậm ngùi đốt chúng. 

Cả cuộc đời, cha dành hết cho gia đình. Nỗi niềm của cha, cha chôn sâu trong lòng, “sống để dạ, c.h.ế.t mang theo”. 

"Hãy về với cha" không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết tình cảm gia đình mà còn là khoảng trời ký ức tuổi thơ vẫn luôn còn trong trẻo, vẹn nguyên của chính nhân vật "tôi". Giọng văn của Shin Kyung-Sook chậm rãi, thoáng buồn và đậm chất hồi tưởng. 
"Hãy về với cha", điều tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể dễ thực hiện trước cuộc sống tất bật, bộn bề ngoài kia. 
Hôm nay, bạn có nhớ cha mẹ của mình? 

Chi Kim
 

← Bài trước Bài sau →